Hội nghị quán triệt, triển khai và tập huấn chuyên sâu Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các văn bản chi tiết quy định thi hành Luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng

Chia sẻ :

Ngày 11/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai và tập huấn chuyên sâu Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các văn bản chi tiết quy định thi hành Luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Công an và các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; các hội, hiệp hội chuyên ngành; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu Sở Xây dựng các địa phương và hàng trăm cơ quan, tổ chức trên toàn quốc. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị là một trong những điểm cầu kết nối trực tiếp đến Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, thực hiện quy định tại Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tham mưu, thực hiện nhằm đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị

Theo Kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ sớm ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền; hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy thuộc lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền; phân cấp cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy phép lưu thông đối với vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn chuyên sâu về Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trong phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định về giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở, công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực thi hành; kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông.

“Để việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo cơ quan trực thuộc phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Công an và các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành để hoàn thành các nhiệm vụ được giao” - Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết vừa qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 Quy định về phân cấp, phân quyền của Bộ Xây dựng và Nghị định số 140/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 Quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ 1/7/2025).

Theo đó cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng chỉ thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ giao, dự án quan trọng quốc gia và dự án thuộc chuyên ngành quản lý do Bộ Xây dựng quyết định đầu tư. Đối với các công trình, dự án còn lại sẽ do cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương thực hiện theo thẩm quyền.

Trình bày tổng quan các nội dung quy định mới, trọng tâm của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng Lê Minh Long cho biết: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được ban hành nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn. Trong bối cảnh đô thị hoá nhanh, các khu công nghiệp, công trình cao tầng, nhà ở tập trung ngày càng nhiều, nguy cơ cháy nổ ngày càng phức tạp và khó lường, việc xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, đồng bộ là yêu cầu đặt ra mang tính chiến lược.

Bộ Công an - Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, đánh giá và lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia để xây dựng nội dung sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Luật được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, gồm 8 Chương, 55 Điều. So với Luật Phòng cháy và chữa cháy (2001), Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã giảm 1 chương và 13 Điều, trong đó: bãi bỏ 24 nội dung; sửa đổi, bổ sung, quy định mới 52 nội dung với 13 nhóm vấn đề lớn.

Phó Vụ trưởng Lê Minh Long nêu bật những điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đó là: bổ sung quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ trong văn bản Luật; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; bổ sung quy định cụ thể về yêu cầu về phòng cháy chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn; điều chỉnh các quy định của luật hiện hành liên quan đến hoạt động thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; bổ sung các quy định cụ thể, bao quát hơn về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

Toàn cảnh điểm cầu Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng

Đồng thời bổ sung các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy điện trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh; củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; bãi bỏ các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy; sửa đổi các quy định liên quan đến việc quản lý phương tiện về phòng cháy, chữa cháy; bổ sung quy định về việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Về Nghị định số 105/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phó Vụ trưởng Lê Minh Long cho biết: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, gồm 8 chương, 47 Điều và 7 Phụ lục; hướng dẫn 20 nhóm nội dung Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành.

Trao đổi về các nhiệm vụ nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình hiện hữu không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng Cao Duy Khôi cho biết, theo  Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, hoàn thành chậm nhất đến ngày 1/1/2026.

Để đảm bảo các số liệu thống kê được sử dụng hiệu quả, Viện Khoa học công nghệ xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Xây dựng tham mưu, kiến nghị Bộ Xây dựng cùng Bộ Công an có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, trong đó sẽ có các tiêu chí đánh giá, phân loại tương đối cụ thể đối với các loại hình cơ sở khác nhau thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Dự hội nghị, Đại tá Hoàng Ngọc Huynh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm rà soát hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan; triển khai hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy của các địa phương.

“Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc triển khai, thực hiện hiệu quả Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Nghị định số 105/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” - Phó Cục trưởng Hoàng Ngọc Huynh khẳng định.

Tại hội nghị, đại diện Sở Xây dựng các địa phương tại các điểm cầu, các Tập đoàn, Tổng Công ty, hiệp hội cùng trao đổi, thông tin, làm rõ hơn các nội dung vướng mắc khi triển khai các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng để cùng thống nhất trong triển khai, đảm bảo hiệu quả.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia Hội nghị, đặc biệt là Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an, Sở Xây dựng các địa phương.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các Nghị định, văn bản hướng dẫn liên quan, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan rà soát, cập nhật và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các thủ tục hành chính liên quan đến công tác thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình xây dựng, phương tiện giao thông thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng; phổ biến sâu rộng các nội dung của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về phía các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng đề nghị tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng trong công tác thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy công trình xây dựng, phương tiện giao thông; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và phòng cháy chữa cháy; chủ động tổng hợp đánh giá về kết quả triển khai, khó khăn vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các chính sách, phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để Bộ nghiên cứu, hướng dẫn hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tới các tổ chức, cá nhân liên quan.

“Việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và xuyên suốt. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực thi pháp luật, nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần triển khai công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn” - Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng nhấn mạnh.


Thêm bình luận mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi. Vui lòng thử lại
ĐĂNG KÝ HỌC